Dùng cafein có làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp trên bệnh nhân suy tim?

 Có nên khuyên bệnh nhân suy tim rằng họ không nên dùng dù là ở mức độ vừa phải các thức uống có chứa cafein do nguy cơ rối loạn nhịp tim? Nguy cơ này đã được nhắc tới trong các nghiên cứu thực nghiệm trên chó nhưng chưa được khẳng định bởi các nghiên cứu trên người, ít nhất là cho tới nay. 

       Tạp chí Nội khoa JAMA mới đây đã đăng tải một nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm tác giả Brazil đánh giá ảnh hưởng của cafein trên nhịp tim. Để xác định nguy cơ nói trên, một nhóm nhà khoa học người Brazil đã tiến hành nghiên cứu mù đôi, so sánh với giả dược về tác dụng của cafein ở liều cao tương đương khoảng 5-6 ly expresso 7,5 centilit (cl) (hoặc 6 lon 25 cl nước uống tăng lực), hay tương ứng với 500 mg dùng trong 4 giờ.

       Cafein liều 500 mg được dùng cho 25 bệnh nhân suy tim (độ I-III), trong khi 26 bệnh nhân cùng mắc bệnh như trên dùng 5 ly expresso placebo (chi tiết xem bên dưới).

       Các tác giả nhận thấy rằng bệnh nhân dùng liều cao cafein nói trên có tỉ lệ xuất hiện rối loạn nhịp tim không cao hơn so với nhóm dùng placebo, bất kể ở mức độ suy tim nào (suy tim là bệnh lý làm tăng nhẹ nguy cơ xuất hiện rối loạn nhịp tim).

       Nếu kết quả trên vẫn được khẳng định ở một nghiên cứu trên người với nhóm đối tượng rộng hơn, thìcó thể nghiên cứu này từ nay trở đi sẽ góp phần làm giảm, thậm chí xóa tan nỗi lo lắng của các bác sỹ lâm sàng - những người trên thực tế một cách hệ thống vẫn khuyên các bệnh nhân suy tim của mình không nên sử dụng thức uống vốn được sử dụng rất rộng rãi này.


       Cafe, một chất kích thích được cho là có tác dụng gây rối loạn nhịp tim vẫn chưa từng được chứng minh
       Cafe là nguồn chứa cafein hàng đầu. Được sử dụng nhiều nhất do có các tác dụng vận mạch và “kích thích”, cafein kích thích hệ thống thần kinh giao cảm và đặc biệt đây là chất đối kháng tại receptor của adenosin (AR antagonist), adenosine là chất có ảnh hưởng trên hệ thống tim mạch (gây kết tập tiểu cầu), vì vậy cafein làm giảm kết tập tiểu cầu.
       Cafein được cho là có ảnh hưởng trên nhịp tim (có khả năng gây rối loạn nhịp tim) và thường không được khuyên dùng trên bệnh nhân suy tim mạn tính, ngay cả khi các dữ liệu trong y văn cho tới nay vẫn chưa xác nhận giả thuyết này (ngoài hai nghiên cứu được thực hiện trên chó ở liều cafein cao hơn nhiều so với liều sử dụng trên người, do đó không thể ngoại suy được).
       Thế nhưng suy tim lại làm tăng mạnh nguy cơ rối loạn nhịp tim, từ đó cho thấy cần có các dữ liệu chắc chắn về ảnh hưởng có thể có của cafe. Vì vậy Priccila Zuchinali và các cộng sự người Brazil đã quyết định tiến hành một nghiên cứu mù đôi và bắc cầu về tác dụng của cafein so với placebo trên các bệnh nhân đã được xác định mắc suy tim mạn tính và tương đương nhau về nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim.
       Nghiên cứu mù đôi tiến hành trên 51 bệnh nhân nam suy tim NYHA I đến III
       Priccila Zuchinali và cộng sự chỉ chọn lựa các bệnh nhân nam mắc suy tim đặc trưng (phân số tống máu thất trái dưới 45%) và có phân độ suy tim chức năng từ I đến III (phân độ chức năng của NYHA theo mức độ triệu chứng và hoạt động thể lực).
       Nguyên nhân của suy tim phần lớn không phải do thiếu máu (35 bệnh nhân), bệnh phối hợp có tần số cao nhất là tăng huyết áp (22 bệnh nhân). Trong số 51 bệnh nhân đưa vào nghiên cứu (được đặt máy khử rung, xem bên dưới), gần như tất cả các bệnh nhân được điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II và chẹn beta giao cảm.
       Làm mù đôi sử dụng cafe không cafein và cho thêm bột cafein hoặc bột lactose
       Sau 7 ngày không dùng các sản phẩm chứa cafein, 51 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào nhóm dùng cafein (25 bệnh nhân) hoặc nhóm dùng placebo (26 bệnh nhân).
       Các bệnh nhân được uống 5 tách (mỗi tách cách nhau 1 giờ) chứa 100 ml café  không chứa cafein trộn với 100 mg cafein hoặc 100 mg bột lactose (placebo).
       Sau đó các bệnh nhân được làm nghiệm pháp gắng sức, tất cả được theo dõi điện tâm đồ (ECG).
       Chất chỉ điểm sinh học và sự lặp lại quy trình trên nhưng đảo hai nhóm
       Lấy máu khi bắt đầu và kết thúc quy trình để định lượng nồng độ cafein và nồng độ BNP, đây là chất chỉ điểm của suy tim.
      Quy trình nêu trên được lặp lại sau 7 ngày để trở về trạng thái zero (thời gian rửa trôi – wash out) khi tiến hành đảo hai nhóm (nhóm dùng cafein chuyển sang dùng placebo và ngược lại). Kết thúc giai đoạn hai bằng nghiệm pháp gắng sức.
       Quy trình được đảm bảo an toàn nhờ cấy ghép máy khử rung tim
       51 bệnh nhân được lựa chọn vào nghiên cứu đều được cấy máy khử rung tự động. Điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo an toàn này được đưa ra là do các đối tượng tham gia nghiên cứu phải thực hiện nghiệm pháp gắng sức.
       Placebo so với liều thấp cafein:“hòa 0-0” về mức độ tác dụng trên nhịp tim
       Liều được chọn 500 mg cafein chia ra 5 lần uống cách nhau 1 giờ là liều cao (khoảng 5 ly cafe đặc trong 4 giờ) dùng để làm lộ rõ sự gia tăng ảnh hưởng trên nhịp tim.
       Tuy nhiên, Priccila Zuchinali và cộng sự không ghi nhận được bất cứ sự gia tăng khác biệt nào về nhịp tim giữa hai nhóm dùng cafein và dùng placebo: số cơn nhịp nhanh thất (16 trường hợp ở nhóm cafein, 19 trường hợp ở nhóm placebo) hay trên thất là tương tự nhau, cũng như số nhịp ngoại tâm thu.
       Cafein không có ảnh hưởng trên các bất thường phát hiện được trên ECG, khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức, ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của nghiên cứu
       Sử dụng cafein cũng cho thấy không gây ra tác dụng nào đo lường được trên ECG ở nhóm dùng cafein so với nhóm dùng giả dược: thật vậy, khi theo dõi ECG liên tục trong hai giai đoạn của quy trình, các tác giả không quan sát được bất cứ sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào giữa 2 nhóm (cafein và placebo) về số lượng cũng như loại phức hợp ngoại tâm thu điện học, bất kể ở tầng thất hay tầng trên thất.
       Tương tự trong nghiệm pháp gắng sức sau khi dùng 5 tách 100 ml chứa 500 mg cafein hay 5 tách placebo.
       Các dữ liệu trên máy khử rung cấy ghép vào cơ thể (người đọc kết quả cũng được làm mù) xác nhận kết quả không có thay đổi điện học nào so với placebo được cho là do cafein.
       Sự bắc cầu các nhóm (cross over) ở giai đoạn hai của nghiên cứu không cho thấy thay đổi gì về kết quả ECG (được làm mù) cũng như việc phiên giải kết quả của nghiệm pháp gắng sức.
       Về sinh hóa, không có sự gia tăng BNP (B-type Natriuretic Peptide), chất chỉ điểm của suy tim
       Xét nghiệm huyết tương cho thấy rõ sự có mặt của cafein ở nhóm cafein (trung bình 9,480 mg/L) và không có cafein ở nhóm placebo. Tuy nhiên tỉ lệ BNP không thay đổi ở nhóm dùng cafein (không thấy suy tim nặng lên).
       Về lâm sàng, có một chút ảnh hưởng ở 2 bệnh nhân dùng cafein
       Có hai bệnh nhân rút khỏi nghiên cứu trong giai đoạn 2 ở nhóm cafein do xuất hiện buồn nôn và đau đầu. Các triệu chứng này không có gì đáng ngạc nhiên do nồng độ cafein đã dùng.
       Kết luận: không ghi nhận rối loạn nhịp tim lúc nghỉ cũng như gắng sức ở bệnh nhân suy tim dùng cafein
       Mặc dù số lượng đối tượng nghiên cứu còn ít và do đó cần thực hiện lại quy trình nghiên cứu ở quy mô lớn hơn, các tác giả cho rằng các kết quả này có thể đảm bảo cho các bệnh nhân uống cafe có suy tim và ... cả các bác sỹ của họ, vì chúng được tiến hành ở liều cao cafein: việc sử dụng hợp lý cafein hay các đồ uống tăng lực chứa cafein dường như không làm tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp tim ở các bệnh nhân này dù họ có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim.
       Như vậy chưa đủ căn cứ để khuyên bệnh nhân suy tim độ I đến III không dùng các đồ uống nói trên, bất kể ở liều nào trong khoảng liều trung bình (nhớ rằng, một lon 25 cl đồ uống tăng lực đã biết chứa 80 mg cafein, hay xấp xỉ một li cafe 7,5 cl).
       Xem thêm: Priccila Zuchinali, Gabriela Souza, Mauricio Pimentel et al. Short-term Effects of High-Dose Caffeine on Cardiac Arrhythmias in Patients With Heart Failure. A Randomized Clinical Trial. JAMA Intern Med. Published online October 17, 2016.
       Nguồn: vidal.fr