Thuốc điều trị đái tháo đường metformin nay được mở rộng sử dụng cho bệnh nhân suy thận mức độ trung bình

Ngày 14/10/2016, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã ra công văn thông báo từ nay các thuốc chứa metformin có thể được sử dụng trên bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (GFR [mức lọc cầu thận]=30–59 ml/phút) trong điều trị đái tháo đường typ 2. Các tờ thông tin sản phẩm của các thuốc nói trên phải được cập nhật để sửa đổi thông tin chống chỉ định hiện nay và đưa ra thông tin mới về liều dùng, theo dõi và thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân suy thận. 

 

Các khuyến cáo kể trên là kết quả của một nghiên cứu tổng hợp do EMA tiến hành về các thuốc chứa metformin khi có những lo ngại rằng các bằng chứng khoa học hiện nay không đủ để chứng minh cần chống chỉ định sử dụng metformin cho bệnh nhân suy thận mức độ trung bình. Các tờ thông tin sản phẩm hiện nay cũng rất khác biệt giữa các quốc gia hay các sản phẩm lưu hành trong Liên minh châu Âu (EU) và đã không còn thống nhất với các hướng dẫn điều trị lâm sàng.

        Metformin có thể làm tăng nguy cơ xảy biến chứng nhiễm toan lactic, dù hiếm gặp nhưng đây là một biên chứng rất nghiêm trọng. Biến chứng này xảy ra khi các acid lactic bình thường vẫn được sản xuất, nay tích tụ trong máu nhanh hơn so với khả năng cơ thể có thể thải trừ. Hiện nay, các tờ thông tin sản phẩm đều nêu rằng metformin không được sử dụng trên bệnh nhân suy thận vì các bệnh nhân này được xem là có nguy cơ cao hơn xuất hiện biến chứng nhiễm toan lactic do thận không thải trừ được metformin đủ hiệu quả.

        Tuy nhiên, sau khi xem xét các dữ liệu trong y văn và trên lâm sàng, các nghiên cứu dịch tễ học và các hướng dẫn điều trị của các tổ chức y khoa, EMA rút ra kết luận rằng có một số lượng lớn bệnh nhân suy thận ở mức độ trung bình có thể được hưởng lợi khi sử dụng metformin. Việc đưa ra các khuyến cáo định liều và theo dõi trước và trong suốt quá trình điều trị nhằm mục đích giảm thiểu bất cứ nguy cơ tăng thêm nào cho các bệnh nhân này. Tuy nhiên chống chỉ định dùng metformin trên bệnh nhân suy thận mức độ nặng (GFR dưới 30 ml/phút) vẫn được giữ nguyên.

        Các công ty có sản phẩm chứa metformin đang lưu hành sẽ được yêu cầu theo dõi sát xao và phân tích các trường hợp nhiễm toan lactic trong tương lai và báo cáo lại các trường hợp này trong các báo cáo tổng hợp thường kỳ về an toàn của thuốc nhằm theo dõi bất cứ thay đổi nào về tần suất của tác dụng không mong muốn kể trên. Tờ thông tin sản phẩm của thuốc có thành phần metformin sẽ được cập nhật để thể hiện các khuyến cáo mới đã nêu và để đảm bảo rằng tất cả các bệnh nhân trong toàn Châu Âu được nhận cùng một lời khuyên như nhau.

        Thông tin cho bệnh nhân                                                                                                              

        Metformin được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác, kèm theo chế độ ăn và tập luyện để điều trị đái tháo đường typ 2.

        Cho tới nay, các thuốc có thành phần metformin đều không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy thận mức độ trung bình tới nặng. Khuyến cáo này hiện đã được sửa đổi để cho phép sử dụng metformin trên bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (GFR=30–59 ml/phút). Liều dùng metformin nên được điều chỉnh tùy thuộc vào chức năng thận của bệnh nhân. Các thuốc này vẫn sẽ không được sử dụng trên bệnh nhân suy thận mức độ nặng (GFR dưới 30 ml/phút).

        Các bệnh nhân suy thận có nguy cơ cao nhiễm toan lactic, đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất nặng khi sử dụng metformin, gây ra do tích lũy acid lactic trong máu. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân suy thận chỉ ở mức độ trung bình, có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng cách kiểm tra kĩ càng liều dùng và theo dõi sát bệnh nhân, điều này sẽ giúp các bệnh nhân suy thận mức độ trung bình được hưởng các lợi ích mà các thuốc chứa metformin mang lại.

        Mất nước (sự mất đi một lượng dịch đáng kể của cơ thể) làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiễm toan lactic. Nếu xuất hiện nôn nhiều, tiêu chảy hay sốt, ở trong môi trường nhiệt độ cao, hoặc uống ít nước hơn bình thường, bệnh nhân có thể bị mất nước. Trong những trường hợp này, người bệnh cần ngừng dùng metformin trong một thời gian ngắn và trao đổi với bác sỹ để được hướng dẫn thêm.

        Thông tin cho nhân viên y tế

        Tổng hợp nghiên cứu về thuốc có thành phần metformin rút ra kết luận rằng từ nay thuốc có thể được sử dụng trên bệnh nhân có suy thận mức độ trung bình (GFR=30–59 ml/phút). Tuy nhiên metformin vẫn chống chỉ định trên bệnh nhân có GFR<30 ml/phút. GFR nên được đánh giá trước khi bắt đầu điều trị và ít nhất mỗi năm một lần sau đó.

        Trên tờ thông tin sản phẩm cập nhật cần cân nhắc giảm liều ở bệnh nhân suy thận mức độ trung bình theo các khuyến các về định liều được cung cấp. Tờ thông tin sản phẩm cũng sẽ trình bày chi tiết các yếu tố nguy cơ của nhiễm toan lactic, tác dụng không mong muốn này cần được tổng hợp trước và trong suốt quá trình điều trị.

        Một số thuốc kết hợp với liều cố định chứa metformin đang được lưu hành ở châu Âu (xem bên dưới). Nếu các sản phẩm này được sử dụng trên bệnh nhân suy thận, nên cân nhắc mức độ hạn chế và hiệu quả liên quan tới thành phần hoạt chất còn lại trong phối hợp, tính khả thi của việc điều chỉnh liều và biện pháp điều trị thay thế bằng các viên riêng rẽ.

        Một số thuốc kết hợp với liều cố định vẫn được khuyến cáo là không nên dùng cho bệnh nhân suy thận mức độ trung bình do thành phần hoạt chất còn lại trong phối hợp không được dùng trên những bệnh nhân này. Ví dụ dapagliflozin/ metformin (Ebymect, Xigduo) vẫn không được khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân GFR<60 ml/phút; canaflozin/ metformin (Vokanamet) và empagliflozin/ metformin (Synjardy) không được khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân GFR<45 ml/phút và không nên khởi đầu sử dụng trên bệnh nhân GFR<60 ml/phút.

        Các khuyến cáo mới nhất này sẽ giúp thống nhất các tờ thông tin sản phẩm cho việc sử dụng metformin ở bệnh nhân suy thận và việc phòng ngừa biến chứng nhiễm toan lactic trên toàn EU.

          Tài liệu tham khảo

  1. Ekström, N. et al., “Effectiveness and safety of metformin in 51675 patients with type 2 diabetes and different levels of renal function: a cohort study from the Swedish National Diabetes Register’, BMJ Open, 2012, 2:e001076.
  2. Eppenga, W.L. et al., ‘Risk of lactic acidosis or elevated lactate concentrations in metformin users with renal impairment: A population-based cohort study’, Diabetes Care, 2014, Vol. 37 (8), p. 2218.
  3. Inzucchi, S.E. et al., ‘Metformin in patients with type 2 diabetes and kidney disease: a systematic review’, JAMA, 2014, Vol. 312, p. 2668.
  4. Richy, F.F. et al., ‘Incidence of lactic acidosis in patients with type 2 diabetes with and without renal impairment treated with metformin: a retrospective cohort study’, Diabetes Care, 2014, Vol. 37 (8), p. 2291.
  5. Roussel, R. et al., ‘Metformin use and mortality among patients with diabetes and atherothrombosis’, Arch Intern Med, 2010, Vol. 170, p. 1892.
  6. Salpeter, S.R. et al., ‘Risk of fatal and nonfatal lactic acidosis with metformin use in type 2 diabetes mellitus’, Cochrane Database Syst Rev, 2010, CD00296.
  7. Solini, A. et al., ‘Age, renal dysfunction, cardiovascular disease, and antihyperglycemic treatment in type 2 diabetes mellitus: findings from the Renal Insufficiency and Cardiovascular Events Italian Multicenter Study’, J Am Geriatr Soc, 2013, Vol. 61, p. 1253.

          Thông tin thêm về lưu hành thuốc có thành phần metformin ở EU

          Metformin là thuốc được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị đái tháo đường typ 2. Metformin được sử dụng đồng thời với chế độ ăn và tập luyện để cải thiện việc kiểm soát glucose (đường) huyết. Các thuốc chứa metformin đơn độc đã được cấp phép ở cấp độ quốc gia trong EU từ những năm 1960, lưu hành với tên biệt dược Glucophage và các tên thương mại khác. Các thuốc sau đây có phối hợp metformin và thuốc điều trị đái tháo đường khác trong cùng một viên, đã được EMA cấp phép ở cấp châu lục: pioglitazone/ metformin (Competact, Glubrava), dapagliflozin/ metformin (Ebymect, Xigduo), sitagliptin/ metformin (Efficib, Janumet, Ristfor, Velmetia), linagliptin/ metformin (Jentadueto), saxagliptin/ metformin (Komboglyze), alogliptin/ metformin (Vipdomet), canagliflozin/ metformin (Vokanamet), vildagliptin/ metformin (Eucreas, Icandra, Zomarist) and empagliflozin/ metformin (Synjardy). Ngoài ra, phối hợp glibenclamid/ metformin (Glucovance) đã được cấp phép ở cấp độ quốc gia. Để có thêm thông tin về các thuốc cấp phép ở cấp châu lục, xem tại đây.

          Nguồn: EMA

http://www.ema.europa.eu/ema/index.jsp?curl=pages/news_and_events/news/2016/10/news_detail_002620.jsp&mid=WC0b01ac058004d5c1