Depakine và thai nghén

Trong khoảng cuối năm 2014 đầu năm 2015, các Cơ quan quản lý Dược Châu Âu (EMA), Úc (TGA), Cơ quan quản lý dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo các nguy cơ khi sử dụng thuốc chứa valproat cho một số đối tượng bệnh nhân. Tại Việt Nam, ngày 11/2/2015 Cục Quản lý Dược - Bộ Y Tế đã có công văn 2484/QLD-TT cung cấp các thông tin liên quan đến tính an toàn, hiệu quả, phản ứng có hại của các thuốc chứa valproat. Ngày 8/6/2015, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn 10107/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa valproat. Mặc dù các cơ quan quản lý Dược trong nước cũng như nước ngoài đã bắt đầu có các hành động nhằm hạn chế tác hại của các thuốc chứa valproat, đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý  an toàn, hiệu quả; đây vẫn là đề tài tiếp tục được quan tâm. Gần đây Bộ Xã hội và Y Tế Pháp tiếp tục công bố kết quả nghiên cứu xoay quanh ảnh hưởng của valproat trên thai kỳ và đưa ra các chính sách để hạn chế, cũng như bồi thường cho các đối tượng chịu hậu quả của thuốc. 

Ngày 24/8/2016 bà Marisol Touraine, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Y tế Pháp đã công bố kết quả đầu tiên của một nghiên cứu theo chỉ đạo của bà về ảnh hưởng của natri valproic trên phụ nữ có thai đối với thai kỳ. Nghiên cứu được tiến hành bởi Cơ quan Quốc gia về Quản lý Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc y tế Cộng hoà Pháp (ANSM) và Quỹ Quốc gia bảo hiểm y tế (CNAMTS).

Dựa trên các dữ liệu về bảo hiểm y tế, nghiên cứu cho thấy từ năm 2007 đến năm 2014 có 14.322 thai nhi có phơi nhiễm với acid valproic, với số lượng giảm dần khoảng 42% mỗi năm trong suốt giai đoạn này. Mặc dù tỉ lệ số trường hợp mang thai có phơi nhiễm này giảm đáng kể, có thể thấy số ca còn phơi nhiễm mỗi năm vẫn ở mức cao.
Theo nghiên cứu được công bố, chỉ có 56% các trường hợp mang thai sinh đúng hạn, trong đó chỉ có 8701 trẻ sơ sinh sống sót trong số 14322 ca mang thai. Trong số các trường hợp mang thai thất bại có 115 trường hợp tử vong chu sinh, 4300 ca đình chỉ thai nghén (không nêu cụ thể nguyên nhân tự nhiên hay không), 1206 ca thất bại với các lý do khác (mang thai ngoài tử cung, sảy thai).

Nghiên cứu không cung cấp thông tin về tỉ lệ phần trăm trẻ bị ảnh hưởng, nhưng theo ước tính từ đầu năm 2016, Số trẻ đẻ sống hoặc chết chu sinh phơi nhiễm với valproat trong tử cung từ 2006 đến 2014 và xuất hiện dị tật bẩm sinh nằm trong khoảng 425 đến 425 trường hợp, khi ngoại suy từ các dữ liệu theo vùng.

Theo Marine Martin, chủ tịch hiệp hội APESAC (Hiệp hội hỗ trợ Các cha mẹ có con em mắc hội chứng Chống co giật), số liệu này có thể bị ước tính sai nhiều do dựa trên các dữ liệu cảnh giác dược ban đầu, mà không tính đến rất nhiều trường hợp không được ghi nhận lại và những trường hợp nằm ngoài dữ liệu cảnh giác dược.Việc truyền thông về các nguy cơ và việc giám định liên tiếp có thể cho phép biết rõ hơn ít nhất là về các số trẻ bị mắc dị tật và/hoặc rối loạn phát triển (số này có thể được tính toán lên tới hàng nghìn): thật vậy, phơi nhiễm với natri valproat trong thời kỳ mẹ mang thai làm tăng gấp 3 đến 4 lần nguy cơ dị dạng vùng đầu mặt (hở hàm ếch) hoặc thần kinh (dị tật ống thần kinh), và tăng tần số rối loạn phát triển và/hoặc thần kinh – tâm thần (chậm đi và chậm nói, rối loạn trí nhớ, biểu cảm và ngôn ngữ, giảm khả năng tư duy, rối loạn, tự kỉ, v.v...
Nghiên cứu xác nhận tầm quan trọng của kế hoạch hành động và tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro cho phụ nữ mang thai.
Theo kế hoạch hành động đã được công bố tháng 3 năm 2016, và theo kết quả nghiên cứu này, ngày 24/8/2016 bà Marisol Touraine đã ra chỉ thị
- Trong vòng 6 tháng sẽ tiến hành rà soát kiểm tra và báo cáo các ca chịu ảnh hưởng, đồng thời sẽ tính toán một gói tài chính Bảo hiểm y tế chi trả chi phí cho tất cả các bệnh nhân được xác định nằm trong chương trình này ;

- Trên cơ sở các nghiên cứu chuyên môn pháp lý đưa ra trong tháng 3, xây dựng một kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân, để thông qua Quốc hội vào cuối năm 2016 theo luật tài chính.

- Tăng cường thông tin liên quan đến sử dụng thuốc có chứa acid valproic trong thai kỳ: hợp tác chặt chẽ với hiệp hội APESAC để xây dựng biểu tượng cho thấy sự nguy hiểm của việc sử dụng chất này trong quá trình mang thai, hình ảnh này sẽ được bổ sung lên vỏ hộp thuốc, ngoài những cảnh báo đã được yêu cầu bổ sung từ tháng 3/2016
- Xây dựng một hệ thống cảnh báo trong các phần mềm hỗ trợ kê đơn và pha chế sử dụng thuốc dùng cho các bác sĩ và dược sĩ;
- Mở rộng các biện pháp phòng ngừa để điều trị khác cho bệnh động kinh và rối loạn lưỡng cực: ANSM đánh giá lại 21 hoạt chất để điều trị bệnh động kinh. Đánh giá lại này cũng sẽ được cập nhật trong điều trị rối loạn lưỡng cực, trong đó việc sử dụng  acid valproic sẽ được thắt chặt hơn.Phối hợp với nhân viên của APESAC để theo dõi chặt chẽ các biến cố trong điều trị;
- Ngoài ra, đề xuất đăng ký danh mục quốc gia các dị tật bẩm sinh dựa trên sáu hồ sơ hiện có sẽ được trình bày tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Chiến lược vào ngày 04 tháng 10. Xem xét đánh giá để đưa ra bản cuối cùng vào tháng mười một;
- Tăng cường các công cụ đánh giá nguy cơ của acid valproic, tiếp tục liên hệ với các chuyên gia y tế, kết nối thông tin từ bệnh nhân và các nghiên cứu đang tiến hành.

Những biện pháp này là một phần của các hành động liên tục được thực hiện kể từ năm 2013 của Bộ trưởng để tăng cường công tác phòng chống các rủi ro liên quan đến acid valproic hoặc các loại thuốc khác trong thai kỳ, đồng thời cũng nhằm mục tiêu xây dựng chẩn đoán và điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Kết quả cụ thể của nghiên cứu được công bố có thể xem tại đây

https://www.vidal.fr/actualites/19909/valproate_de_sodium_et_grossesse_resultats_d_une_vaste_etude_observationnelle_plan_d_action_et_d_indemnisation/