Dược lý lâm sàng là ngành khoa học nghiên cứu tất cả các khía cạnh của mối tương tác giữa thuốc và cơ thể người. Nó bao gồm việc tìm kiếm và phát triển các loại thuốc mới, nghiên cứu tính ứng dụng lâm sàng của các loại thuốc: phạm vi điều trị, lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc trên cá thể hay quần thể, sự lạm dụng thuốc… Dược lý lâm sàng là một lĩnh vực đa nhóm ngành, nhân lực Dược lý lâm sàng bao gồm các chuyên gia về y học, dược học, dược lý, độc chất học, y sinh học, xã hội học, dịch tễ học, kinh tế học…

Dược lý lâm sàng là một ngành khoa học vừa lâu đời, vừa mới mẻ. Việc dùng thuốc trong thực tế lâm sàng đã xuất hiện từ thời cổ đại. Các thuốc như quinine, reserpin, artemisinin… được sử dụng dưới dạng các thảo dược trong một thời gian dài trước khi đặc điểm dược học của chúng dần dần được sáng tỏ. Nhưng khái niệm Dược lý lâm sàng hiện đại được cho là xuất hiện từ giữa thế kỷ XX. Rất khó để khẳng định ai là người đầu tiên đưa ra khái niệm Dược lý lâm sàng. Theo những tài liệu Anglo – Saxon, Harry Gold được cho là người đầu tiên đề cập tới khái niệm này vào những năm đầu thập niên 40 của thể kỷ XX. Tuy nhiên theo một số tài liệu khác, vào năm 1914 tại Đức, một cuốn sách đã được viết bởi Hans Horst Meyer và Rudolf Gottlied có tựa đề được dịch ra là: “Dược lý, lâm sàng và thực nghiệm”. Ngoài ra, cũng theo y văn Đức, Paul Martini, một giáo sư y khoa tại Bonn, đã xuất bản cuốn sách “Phương pháp luận của điều tra nghiên cứu điều trị học” và Paul Martini được coi là nhà Dược lý lâm sàng đầu tiên. Theo các tài liệu tiếng Anh, việc sử dụng dược liệu có một lịch sử lâu đời, đặc biệt là ở Scotland. Năm 1884, John Mitchell Bruce đã viết cuốn “Dược liệu và phương pháp điều trị. Bước đầu để điều trị bệnh hợp lý”, cuốn sách này trong phiên bản lần thứ 20 đã trở thành Dilling’s Clinical Pharmacology – được xuất bản vào năm 1960, cùng năm với cuốn “Dược lý lâm sàng” của Desmond Laurence.
Không thể phủ nhận sự phát triển Dược lý lâm sàng diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ. Một dấu mốc quan trọng là sự ra đời của ấn bản đầu tiên cuốn “Goodman and Gilman: Cơ sở dược lý của điều trị học” (1960) của Walter Modell và sự ra đời tạp chí về Dược lý lâm sàng đầu tiên mang tên “Dược lý lâm sàng và điều trị học”.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ trở thành trung tâm đào tạo các nhà Dược lý lâm sàng trên thế giới. Giám đốc NIH James Shannon cùng đồng nghiệp của ông Bernard B. Brodie và Julius Axelrod giới thiệu sinh hóa dược lý như một ngành khoa học và việc đo lường thuốc trong dịch cơ thể là công cụ của chuyên ngành dược lý lâm sàng . Năm 1966, Lasagna công bố một báo cáo rất có giá trị về hiện trạng và tương lai phát triển ngành Dược lý lâm sàng.
Một sự phát triển song song xảy ra tại châu Âu, đặc biệt là tại Anh, nơi cơ sở hạ tầng dành cho dược lý cơ bản và y học lâm sàng phát triển nhanh chóng. Những chuyên gia hàng đầu có thể kể đến như Sir John Gaddum, Sir Horace Smirk và Sir Austin Bradford Hill…
Theo “Clinical pharmacology in health care, teaching and research” - WHO